Một địa chỉ ví chưa xác định chứa tới 1 tỷ token Pi đã thực hiện hàng loạt giao dịch chuyển Pi lên sàn giao dịch tiền mã hóa, khiến cộng đồng Pi Network rơi vào làn sóng tranh luận dữ dội. Điều đáng nói, hành động này diễn ra đúng vào thời điểm Pi Network vẫn chưa công bố mainnet chính thức.
Không chỉ vì số lượng token chuyển đi quá lớn, mà thời điểm thực hiện cũng khiến giới đầu tư không khỏi nghi ngại. Nhiều người cho rằng đội ngũ phát triển Pi (PCT) đang âm thầm triển khai chiến lược thanh khoản hoặc chuẩn bị cho một đợt “xả hàng” quy mô lớn.
Trên các diễn đàn, nhóm chat Facebook, Telegram hay Reddit, cộng đồng “Pi thủ” lập tức chia rẽ quan điểm. Một số nghi ngờ rằng ví chứa 1 tỷ Pi là của đội ngũ phát triển nhằm kích hoạt thanh khoản trước khi mở mainnet. Trong khi đó, số khác lo lắng về kịch bản tiêu cực: thị trường đang bị thao túng để chuẩn bị cho làn sóng chốt lời.
Hé lộ từ PiScan: 73,1 tỷ Pi do nội bộ nắm giữ
Theo dữ liệu từ nền tảng PiScan, đến ngày 10/4, đã có ít nhất 8 ví lớn do đội ngũ phát triển kiểm soát, với tổng lượng nắm giữ lên đến 73,1 tỷ token. Trong đó, một ví riêng biệt chứa đến 59 tỷ Pi – tương đương khoảng 80% tổng lượng cung đã được khai thác.
Điều đáng lưu tâm là những ví “cá voi” này hoàn toàn không xuất hiện trong bất kỳ báo cáo công khai nào của Pi Network. Các hoạt động chuyển token cũng không được thông báo chính thức. Sự im lặng từ phía PCT càng khiến cộng đồng hoài nghi, đặc biệt khi các giao dịch trùng khớp với biến động giá bất thường của Pi IOU trên thị trường.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc các ví lớn hoạt động đồng loạt trong âm thầm có thể là chỉ dấu của một chiến lược quan trọng đang được triển khai: hoặc cung cấp thanh khoản cho hệ sinh thái khi mainnet mở, hoặc rút vốn bằng cách bán số lượng lớn token.
Giá tăng mạnh trên OKX, nhưng thanh khoản vẫn mong manh
Sáng 11/4, giá Pi trên OKX bất ngờ tăng vọt lên 0,6 USD, rồi nhanh chóng điều chỉnh về khoảng 0,59 USD. Diễn biến này xảy ra cùng thời điểm ví chứa 1 tỷ Pi thực hiện loạt chuyển token, làm dấy lên nghi vấn có sự liên hệ giữa hai yếu tố.
Dù giá có vẻ khởi sắc, nhưng thanh khoản thực tế vẫn rất hạn chế. Đa phần các giao dịch Pi hiện nay đều là IOU – tức giao kèo mua bán chờ token thực, chứ chưa phải Pi thật có thể rút về ví cá nhân.
Thêm vào đó, việc Pi chưa được niêm yết trên những sàn uy tín như Binance, Coinbase hay Kraken khiến dòng tiền đầu tư nghiêm túc chưa thực sự đổ vào. Điều này khiến giá trị hiện tại chỉ mang tính tham khảo, chưa phản ánh đúng giá trị thực của đồng coin này.
Một số nhà đầu tư cảnh báo rằng nếu Pi không sớm được niêm yết chính thức và tiếp tục thiếu tính thanh khoản, đồng coin này sẽ dễ rơi vào trạng thái “xì hơi” khi lực mua giảm sút.
Tâm lý nhà đầu tư: Gom hàng hay lo tháo chạy?
Trước làn sóng tin tức hỗn loạn, cộng đồng nhà đầu tư Pi thể hiện sự phân hóa rõ rệt. Một bộ phận giữ vững niềm tin, cho rằng mức giá hiện tại chỉ là bước lùi tạm thời. Họ tin Pi sẽ bật tăng mạnh khi mở mainnet và hệ sinh thái phát triển toàn diện. Với nhóm này, đây là cơ hội “vàng” để gom thêm token giá rẻ.
Ở chiều ngược lại, nhiều nhà đầu tư lại trở nên thận trọng. Việc phần lớn nguồn cung nằm trong tay một nhóm nhỏ, cộng thêm sự thiếu minh bạch và không có kế hoạch phát triển cụ thể từ PCT, khiến họ nghi ngờ về tính bền vững của dự án. Đặc biệt, việc ví chứa 1 tỷ Pi liên tục thực hiện giao dịch lớn trong im lặng càng khiến rủi ro sụp đổ được đặt lên bàn cân.
Cảnh báo pháp lý và lời khuyên từ chuyên gia
Tại Việt Nam, pháp luật vẫn chưa công nhận Pi hay bất kỳ đồng tiền mã hóa nào là tài sản hợp pháp hoặc phương tiện thanh toán. Theo Nghị định 88/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 143/2021/NĐ-CP), việc sử dụng tiền ảo để giao dịch có thể bị phạt hành chính từ 50 đến 100 triệu đồng. Trong những trường hợp nghiêm trọng, hành vi này có thể bị xử lý hình sự theo Điều 206 Bộ luật Hình sự.
Đáng lo ngại hơn, do Pi không được pháp luật công nhận là tài sản, nên mọi giao dịch hoặc tranh chấp dân sự phát sinh từ Pi sẽ không được pháp luật bảo vệ. Điều này đồng nghĩa với việc nếu có rủi ro, người dùng rất khó đòi lại quyền lợi qua kênh pháp lý chính thống.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Anh Dũng từ FIDT cũng đưa ra cảnh báo: “Pi là dự án chưa xác định rõ giá trị thật, được khai thác miễn phí qua điện thoại. Đầu tư vào thời điểm này chẳng khác gì đánh cược”.
Ông Dũng khuyên nhà đầu tư nên chỉ dùng số vốn nhỏ, không ảnh hưởng đến tài chính cá nhân, và không chạy theo đám đông hay tin vào lời hứa hẹn thiếu căn cứ. Trong bối cảnh thị trường crypto đang hồi phục, việc ưu tiên các dự án có pháp lý rõ ràng, minh bạch, và được cấp phép vẫn là con đường an toàn nhất.